Đa số các loại mực in offset đều có thể dùng chung với nhau nhưng người thợ in phải điều chỉnh lại cho phù hợp với từng loại giấy in. Có những loại mực được chế tạo đặc biệt cho in nhãn, in tờ bướm, in bìa, in tạp chí, in thiệp, trên giấy decal, in trên tấm kim loại, in trên plastic hay với nhiều mục đích khác; những loại mực này thường có thể dùng để in ngay hay thêm một số phụ gia tuỳ theo yêu cầu thực tế. Nếu không kể đến bề mặt vật liệu in thì thành phần mực có thể khác nhau về độ trong suốt, độ bền nhiệt, độ bền sáng, độ bền với hoá chất và với các chất tẩy rửa.
Do vậy, có hàng ngàn công thức mực khác nhau, mỗi loại mực dành cho một loại giấy in cụ thể hay là cho một bề mặt vật liệu in cụ thể hoặc cho một chủng loại bề mặt vật liệu in nào đó trong một điều kiện in cụ thể. Không có một loại mực in nào tốt cho tất cả các điều kiện in, một loại mực in thích hợp cho một chủng loại giấy in và mục đích sử dụng này thì có thể sẽ không tốt cho một chủng loại in khác. Nhà in phải làm việc với nhà sản xuất mực để có được loại mực thích hợp nhất.
Mực in là một thể gồm các hạt pigment được trộn đều trong chất dẫn hay chất liên kết. Hạt pigment dùng để tạo màu và quyết định lớp mực in trở nên trong suốt hay đục. Các chất dẫn làm mực in lỏng và do vậy nó có thể được phân phối bởi các lô truyền mực trên máy in rồi chà đều lên bề mặt bản in. Trong lớp mực in thì chất dẫn phải được thay đổi trở nên một dạng đặc để có thể kết dính các hạt pigment lên trên bề mặt vật liệu in.
Mực in được làm khô bởi nhiều phương pháp khác nhau, các loại mực in truyền thống chứa một lượng dầu khô (chất phụ gia giúp làm khô) và nó khô bằng cách phối hợp giữa việc thẩm thấu mực in vào trong giấy và các tác động hoá học mà người ta còn gọi là quá trình oxi hoá và polymer hoá. Các loại mực in khô nhanh có chứa dầu làm khô, nhựa thông cộng với dung môi để tăng tốc quá trình làm hấp thụ có chọn lọc và việc khô cuối cùng vẫn bởi quá trình oxi hoá và polymer hoá. Các loại chất phụ gia trên hầu hết đều có ích cho việc in trên các loại giấy tráng phấn và các loại giấy có định lượng cao. Có loại mực khô bằng phương pháp gia nhiệt do sự bay hơi của các chất dung môi và quá trình này hiếm khi dung cho phương pháp in tờ rời.
Có hai nguyên nhân chính gây ra các vấn đề khô mực là sử dụng mực in không thích hợp cho công việc in hoặc là sử dụng quá nhiều nước hay axít trong dung dịch làm ẩm. Tất cả các loại mực in offset đều phải làm việc với một độ ẩm nhất định do tiếp xúc với nước. Nước làm ẩm luôn luôn được trộn với mực tới một mức nào đó trong suốt quá trình in nhưng mực in không được nhiễm quá nhiều nước. Mực in bị nhũ hoá sẽ dễ dàng xâm nhập vào máng nước và do vậy làm cho bề mặt tờ in bị bắt màng dơ và bị phủ một lớp mực mỏng. Các nhà sản xuất mực phải lựa chọn các chất liên kết và các hạt pigment cho phù hợp, đồng thời phải điều chỉnh mực in sao cho đáp ứng các nhu cầu này. Sự biến đổi trong quá trình sản xuất mực và trong quá trình in offset hầu như không xác định được. Các kỹ thuật viên vận hành máy in offset, những người luôn luôn gặp các vấn đề về mực in phải có kiến thức, kinh nghiệm và sự đánh giá chính xác để có thể giải quyết được các vấn đề này.
Để có được loại mực in đúng mọi lúc mọi nơi đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa thợ in và nhà sản xuất mực, do đó người thợ in phải luôn hỏi ý kiến nhà sản xuất mực in.
Bài viết này cung cấp cho người thợ in một bảng tham chiếu nhanh giúp họ tránh các vấn đề về mực in và phán đoán một cách chính xác khi gặp các sự cố có liên quan đến mực.
I. MỰC KHÔ QUÁ CHẬM.
Vấn đề này thường không được phát hiện trước mà chỉ đến khi in ra mới phát hiện được, việc xử lý thường tốn kém hơn nhiều so với việc đề phòng.
Nguyên nhân A:
Mực in không phù hợp với mặt hàng in.
Biện pháp khắc phục:
Trao đổi với nhà sản xuất mực trước khi in mặt hàng đó. Biện pháp tốt nhất để xử lý vấn đề khô mực này là đề phòng . Dù sao đi nữa khi vấn đề do khô mực xảy ra ta phải tham khảo nhà sản xuất mực ngay.
Tránh thay đổi mực in khi không cần thiết. Khi cần phải thay đổi loại mực, hỏi ý kiến nhà sản xuất mực.
Ngăn ngừa vấn đề này bằng cách thử độ khô của mực trên giấy trước khi in.
In phủ lên các tờ in bị lỗi một loại vecni giúp cho quá trình khô nhanh hơn.
Nguyên nhân B:
Quá nhiều acid trong dung dịch làm ẩm
Biện pháp khắc phục:
Giữ dung dịch làm ẩm có độ pH từ 4.5 đến 5.5
In phủ lên bề mặt in ướt lớp làm khô trong suốt.
Nguyên nhân C:
Không đủ phụ gia làm khô trong mực.
Biện pháp khắc phục:
Ngăn ngừa vấn đề này bằng cách thử độ khô của mực trên giấy trước khi in.
In phủ lớp vecni hoặc in phủ lớp làm khô trong suốt lên màu in ướt, như trong nguyên nhân B, biện pháp 2.
Nguyên nhân D:
Thiếu khí oxi để làm khô mực. Trường hợp này có thể xảy ra khi in các mảng màu tông nguyên.
Biện pháp khắc phục: Vỗ bung giấy cho không khí lùa vào tờ in. Khi vỗ giấy mới in phải lưu ý coi chừng giấy bị trầy xước.
Nguyên nhân E:
Nhiệt độ của xưởng in và nhiệt độ của giấy quá thấp.
Biện pháp khắc phục:
Duy trì nhiệt độ xưởng từ 21o - 25oC. Nếu cách này không thể thực hiện được, ta nên tiến hành theo các bước sau:
Lắp đặt đèn hồng ngoại trên bàn ra giấy để làm ấm giấy khi in ra.
Lắp đặt đèn hồng ngoại trong đơn vị in.
Lưu ý khi sử dụng bất kỳ phương pháp làm khô nào ở trên, ta phải tắt bộ cấp nhiệt ngay lập tức khi máy in ngừng lại.
Để nhiệt độ của giấy bằng nhiệt độ xưởng in, trước khi in cần phải khí hậu hoá giấy. Bọc giấy lại để giấy không bị quăn mép.
II. ẢNH HƯỞNG CỦA BỤI GIẤY VÀ CÁC VẬT LẠ
Ké là do bụi bẩn và các vật lạ bám trên cao su và khuôn in. Bụi này đến từ nhiều nơi: trong mực, trên giấy in, trong máy in và trong xưởng in. Việc xử lý bất cẩn mực in trong quá trình sản xuất hay trong phân xưởng in sẽ làm cho mực in bị dính bụi và khi mực khô trong lon mực cũng gây ra ké. Một máy in dơ hay không được lau chùi thường xuyên thì cũng gây ra ké.
Nguyên nhân A:
Do hạt mực khô hay là do bụi bẩn trong máy in.
Biện pháp khắc phục:
Giữ cho máy in sạch sẽ.
Giữ cho hệ thống lô mực, lô nước trong điều kiện tốt.
Nguyên nhân B:
Bụi bẩn trong xưởng in.
Biện pháp khắc phục:
Giữ cho xưởng in được sạch sẽ.
Treo tấm nhựa phía trên máy in đề phòng bụi bẩn rơi vào máy.
Sử dụng các lô lấy ké trên máy in.
Dùng cây lấy ké để lấy bụi ra khỏi bản in.
Chạy một lớp mực in mỏng hơn. Cách này thường dùng để rửa sạch ké trên bản in.
Nguyên nhân C:
Mực bị khô ngay trong lon.
Biện pháp khắc phục: Nếu gặp trường hợp này thì gởi trả mực lại cho nhà sản xuất. Bảo đảm rằng những người làm việc trong xưởng in biết cách xử lý các loại mực in này. Lượng mực dư sau khi in nên được đặt trong lon, phía trên có một lớp giấy mỏng bôi nhớt và đậy chặt nắp lon lại.
III. PHẦN TỬ KHÔNG IN BỊ BẮT MỰC (BẮT DƠ)
Hiện tượng bắt dơ thường xuất hiện trên khuôn in và không thể chùi đi bằng giẻ lau nhúng nước được. Nếu khuôn in bị bắt dơ nhẹ, ta có thể chùi bản bằng axit. Mực có thể gây ra bắt dơ, nhưng cũng có nhiều nguyên nhân bắt dơ không liên quan tới mực.
Nguyên nhân A:
Mực quá nhiều hay là mực in quá loãng, do đó lớp mực này sẽ tràn qua các phần tử không in giữa các hạt tram và sẽ bám dần vào phần tử không in.
Biện pháp khắc phục: Dùng loại mực đặc hơn và cung cấp mực vừa đủ.
Nguyên nhân B:
Mực có công thức không phù hợp. Đôi khi nhà sản xuất mực in sử dụng các vật liệu thô bị nhiễm bẩn và do đó sẽ gây ra hiện tượng bắt dơ trên khuôn in.
Biện pháp khắc phục: Gởi trả lại cho nhà sản xuất mực in.
Nguyên nhân C:
Có quá nhiều chất làm khô và bột trong mực.
Biện pháp khắc phục:
Tránh thay đổi loại mực in khi không cần thiết. Hỏi ý kiến nhà sản xuất mực in.
Sử dụng ít chất làm khô hơn. Nếu theo yêu cầu thì cứ khoảng 60 gram chất làm khô cho một ký mực, sử dụng chất làm khô dạng đặc, tránh thêm vào các chất phụ gia khác.
Nguyên nhân D:
Có một ít chất chống mài mòn trong mực in. Và những chất này từ từ dính lên trên rìa của hình ảnh và làm cho hình ảnh trở nên dày hơn.
Biện pháp khắc phục: Cho một lớp mực in khác chồng lên những nơi bị bắt dơ do chất chống mài mòn hay là ta thay đổi loại mực khác tốt hơn.
IV. MỰC BỊ LỘT TRÊN BỀ MẶT VẬT LIỆU
Nguyên nhân A:
Mực in không được điều chỉnh để có thể hấp thụ lên trên bề mặt tờ in. Mực không kịp khô khi các tờ in khác đè lên trong chồng giấy. Điều này xảy ra nếu chất dẫn mực thấm vào giấy quá chậm hay là giấy có độ thẩm thấu thấp.
Biện pháp khắc phục:
Nếu sự cố trên xảy ra trên loại giấy in tráng phấn với mực in thông thường, ta đổi loại mực in khô nhanh.
Cung cấp hay gia tăng lượng bột phun cho mực mau khô. Chú ý sử dụng lượng bột tối thiểu, đặc biệt là khi phải in thêm nhiều màu.
Thêm vào 30-60 gram vecni trên một ký lô mực. Việc thêm vào một lượng nhỏ dung môi của mực khô nhanh hay mực in gia nhiệt sẽ cho kết quả tương tự.
Tránh chồng giấy quá cao trên bàn ra giấy. Trong trường hợp in các loại lá nhôm hay plastic thì ta cho các sản phẩm in sắp chồng lên nhau thành từng xấp mỏng.
Dùng mực có độ nhớt cao.
Thêm một lượng nhỏ phụ gia chống lột mực vào trong mực in. Chỉ sử dụng lượng nhỏ vì nếu dư sẽ làm giảm đặc tính chống ma sát và mài mòn của mực in, làm tăng độ dính của mực lên tấm cao su và làm giảm sự truyền mực.
Nguyên nhân B:
Các tờ in khi in ra không được sắp xếp ngăn nắp.
Biện pháp khắc phục:
Kiểm tra hai má vỗ giấy ở bàn ra giấy có đồng đều nhau không và canh chỉnh lại nêu cần thiết.
Tránh không cho bàn giấy xuống quá nhanh.
Tránh không cho bàn giấy nằm trên mặt phẳng gồ ghề. Vận chuyển bàn giấy nhẹ nhàng, tránh làm xê dịch chồng giấy.
Nguyên nhân C:
Cấp quá nhiều mực trong quá trình truyền mực.
Biện pháp khắc phục: Cấp mực in ít hơn và đặc hơn. Giảm lượng nước xuống mức tối thiểu.
Nguyên nhân D:
Giấy bị nổl lên hay gợn sóng khi in ra. Khi in các mảng màu lớn, phần giấy nơi đó sẽ phồng lên và tờ in kế tiếp sẽ bị dính vào, làm cho má vỗ giấy không vỗ tờ giấy đó vì không có lớp đệm không khí giữa hai tờ giấy.
Biện pháp khắc phục:
Sử dụng bột phun chống mực bị lột.
Gia tăng độ thẩm thấu của mực.
Nếu có thể được, sử dụng giấy có khuynh hướng ít phồng lên. Nếu in máy một màu cho các bài nhiều màu, cố gắng sử dụng giấy có sớ sợi ngắn.
Nguyên nhân E:
Giấy bị quăn hay không bằng phẳng. Sự cố cũng giống như là giấy bị phồng lên khi in (Xem nguyên nhân D, trong vấn đề này).
Biện pháp khắc phục: Sử dụng bột chống lột. Gia tăng độ thẩm thấu của mực và phạm vi thấm hút.
Nguyên nhân F:
In với lớp mực bóng. Mực bóng có độ thẩm thấu rất ít trên giấy. Chất sáp trong mực bóng có khuynh hướng ngăn ngừa mực bị lột, nhưng hiếm khi tác dụng trên lớp mực bóng dầy.
Biện pháp khắc phục:
Sử dụng bột chống lột mực nhưng nên sử dụng ít. Quá nhiều bột sẽ làm giảm độ bền chống ma sát và mài mòn. Không để cho chồng giấy quá cao trên bàn giấy, di chuyển giấy và để khô từng xấp nhỏ.
Xem lại hoạt động của hệ thống phun bột. Canh chỉnh và lau chùi nếu cần thiết..
V. MỰC IN LÀM GIẤY BỊ LỘT, BỊ TÁCH HAY LÀM RÁCH GIẤY
Vấn đề này liên quan đến quan hệ giữa mực và giấy. Mực có độ tách dính quá cao đối với giấy trong điều kiện in. Hiện tượng bóc, lột, rách giấy có thể gây ra do giấy có độ kết dính bề mặt yếu.
Nguyên nhân A:
Mực quá dầy đối với giấy.
Biện pháp khắc phục:
Làm giảm độ đặc của mực.
Nếu cách trên làm giảm chất lượng in nhiều, ta nên đổi loại giấy có độ chống lột tốt hơn.
Tăng độ dầy lớp mực lên một chút. Đôi khi việc tăng độ dày lớp mực lên một chút sẽ có hiệu quả hơn trong việc chống lột giấy.
Nguyên nhân B:
Mực khô làm tăng độ đặc của nó trong khi in. Điều này có thể gây ra do quá nhiều chất làm khô gốc côban trong mực.
Biện pháp khắc phục:
Thêm vào vecni để làm giảm độ đặc của mực.
Thêm vào một ít bột chống oxi hoá hay làm khô chậm vào trong mực.
Hỏi ý kiến nhà sản xuất mực.
Nguyên nhân C:
Mực khô nhanh hay mực dùng trong máy in cuộn có bộ phận sấy bị bay mất dung môi và gia tăng độ độ đặc của mực khi máy in ngưng hoạt động. Điều này có thể gây ra bởi các lô mực bọc cao su mới đúc lại sẽ hút các dung môi hoặc dung môi bị khô đi hay là cả hai trường hợp cùng xảy ra.
Biện pháp khắc phục:
Hỏi nhà sản xuất mực.
Khi máy dừng chạy, phun một lớp chống bay dung môi lên các lô.
Làm loãng mực trong máng, mực in thường bị khô trong máng do quá trình chuẩn bị quá lâu, dung môi bị bay hơi. Khi máy in đã bắt đầu chạy và mực đã cấp xuống thì không có vấn đề xảy ra.
Nguyên nhân D:
Loại mực khô nhanh tiếp tục lột giấy sau khi chạy một thời gian.
Biện pháp khắc phục:
Dùng loại mực khác.
Pha thêm vào 30 gram vecni cho mỗi ký mực.
VI. TẠO BÓNG MỜ DO BỘ PHẬN CƠ KHÍ GÂY RA
Mực không cấp đủ cho các vùng in nằm trước hay sau các mảng màu quá lớn.
Biện pháp khắc phục:
Nếu có thể, điều chỉnh lượng mực phân phối đều trên mảng màu.
Chạy một lượng tối thiểu dung dịch làm ẩm. Dùng cồn và các chất thay thế cho cồn.
Chạy lớp mực dày hơn, tránh mở mực dư, có thể làm cho mực loãng ra và chạy dầy lớp mực lên.
Nếu có thể, dùng loại mực đục hay trong suốt cho các mảng màu lớn.
Tăng phạm vi sàng của lô sàng.
Cho lô chà bản cuối cùng sàng.
Làm giảm độ cứng của lô chà bản hay là thay lô mới.
Bố trí lại hình ảnh trên khuôn in (ở khâu bình bản) để làm cho hình ảnh không bị bong dọc theo trục khuôn in.
VII. MỰC KHÔ TẠM THỜI TRÊN GIẤY TRÁNG PHẤN
Trường hợp này là mực có vẻ đã khô nhưng dễ dàng tróc ra.
Nguyên nhân A:
Chất liên kết thẩm thấu quá nhiều. Điều này có thể gây ra do mực có công thức không phù hợp hoặc do giấy có độ thấm hút cao.
Biện pháp khắc phục:
Hỏi ý kiến nhà sản xuất mực. Dùng loại mực phù hợp với giấy.
Thêm vào vecni dạng sệt, vecni bóng, vecni đục để làm giảm khả năng thẩm thấu của chất liên kết.
Nguyên nhân B:
Quá trình khô diễn ra chậm. Nếu quá trình khô diễn ra quá chậm, thì có quá nhiều chất liên kết bị hấp thụ trước khi quá trình đóng rắn kết tinh làm khô xảy ra và các hạt pigment sẽ không liên kết được với bề mặt giấy.
Biện pháp khắc phục:
Xem xét lại các nguyên nhân mực khô chậm là do mực khô bình thường hay là mực khô nhanh. Nguyên nhân nào cũng gây ra hiện tượng khô mực tạm thời. Xem lại các nguyên nhân đã bàn ở các vấn đề trước.
Hiện tượng mực khô tạm thời không được thấy rõ ràng cho đến sau khi in xong khoảng 1 giờ. Tuy nhiên ta có thể khắc phục vấn đề mực in khô tạm thời bằng cách in phủ lớp mực trong suốt hay lớp vecni để hổ trợ cho quá trình kết dính với giấy. Lớp mực khô nhưng bị bóc ra trong quá trình thành phẩm.
Nguyên nhân C:
Lớp mực bám dính yếu vì có các vật liệu chống khô trong mực.
Biện pháp khắc phục:
Tránh hiện tượng trên bằng cách dùng loại mực phù hợp cho giấy.
Tránh thêm các chất phụ gia vào mực như dầu bôi trơn động cơ, dầu nhớt thông thường hay dầu khoáng. Chỉ sử dụng các chất phụ gia thêm vào khi được sự đồng ý của nhà sản xuất mực. Giữ cho lượng các chất phụ gia thêm vào ở lượng tối thiểu. Những vật liệu không khô sẽ làm dẻo lớp mực khô và làm giảm độ chống mài mòn của mực. Các chất làm khô có chứa thành phần không khô. Tránh sử dụng các chất làm khô quá nhiều.
VIII. LỚP PHỦ BỀ MẶT GIẤY KHÔNG KẾT DÍNH TỐT VÀ LỚP PHỦ KHÔNG ĐỒNG ĐỀU
Nguyên nhân A:
Trong mực in có các chất phụ gia hay là sáp nhằm nâng cao độ bền ma sát.
Biện pháp khắc phục: Sử dụng mực in không có phụ gia chống ma sát.
Nguyên nhân B:
Mực chậm khô, lớp phủ bề mặt dính vào trong mực.
Biện pháp khắc phục:
Sử dụng mực khô nhanh hơn.
Cho thêm chất phụ gia làm tăng tốc độ khô vào dung dịch làm ẩm.
Nguyên nhân C:
Các chất phụ gia thay thế cồn có chứa các thành phần hoá học không bay hơi như là izopropanol. Khi những chất hoá học này trở nên cô đặc trong hệ thống lọc nước và bị nhủ hoá trong mực, do đó chúng nằm trên bề mặt của tờ in làm cho mực dễ bị lột ra.
Biện pháp khắc phục: Làm sạch hệ thống lọc nước và thay đổi dung dịch làm ẩm ít nhất một lần mỗi tuần.
IX. LỚP MỰC KHÔNG ĐỒNG NHẤT VÀ DÍNH VẬT LIỆU KHI IN PLASTIC
Nguyên nhân A:
Sức căng bề mặt quá thấp.
Biện pháp khắc phục: Sử dụng plastic đã được xử lý bằng tia lửa điện với sức căng bề mặt khoảng 40-50 dynes.
Nguyên nhân B:
Mực có công thức không phù hợp cho in plastic.
Biện pháp khắc phục: Sử dụng mực có độ đặc cao và dung môi ít.
Nguyên nhân C:
Mực bị nhủ hoá nhiều.
Biện pháp khắc phục: Khi in lên trên bề mặt không thẩm thấu, mực in phải có công thức chống lại sự nhủ hoá và đồng thời giảm lượng nước sử dụng đến mức tối thiểu.
X. MỰC BỊ LEM TRONG QUÁ TRÌNH TRÁNG PHỦ BỀ MẶT, BẾ NHÃN, BỒI CARTON
Nguyên nhân:
Mực có độ kháng yếu đối với ma sát trên bề mặt vật liệu in.
Biện pháp khắc phục:
Tìm mực có độ kháng với ma sát trên bề mặt vật liệu in. Vì mực không chịu ma sát trên vật liệu này chưa hẳn không chịu được ma sát trên vật liệu khác, kiểm tra các tờ in thử trước khi in thật để chắc chắn rằng đã sử dụng đúng loại mực.
Đổi loại giấy, sử dụng loại giấy có độ mài mòn cao.
XI. CÁC BÌA SÁCH BỊ DƠ TRONG QUÁ TRÌNH VẬN CHUYỂN
Nguyên nhân A:
Do các bìa được đóng không chặt, do đó chúng sẽ ma sát lẫn nhau trong quá trình vận chuyển.
Biện pháp khắc phục: Những bao bì sách đã bị trượt lên nhau thì không thể sửa được. Thông thường, cách kinh tế nhất là bỏ đi còn hơn là đem in lại và thay thế bằng tờ in khác. Cách duy nhất để ngăn ngừa ma sát và mài mòn là bọc và đóng sách cẩn thận.
Nguyên nhân B:
Vecni không phù hợp cho quá trình in.
Biện pháp khắc phục: Bảo đảm rằng vecni có công thức thích hợp. Bìa sách bị dặm dơ do có vecni vì vậy ta không được sử dụng vecni trong trường hợp này.
Nguyên nhân C:
Phun bột quá dư. Phun bột giúp ngăn ngừa quá trình lột có thể làm tăng độ mài mòn.
Biện pháp khắc phục: Giữ cho lượng bột phun ở mức tối thiểu và bọc sách hay catalog cẩn thận trong quá trình vận chuyển.
XII. KHÔNG TRUYỀN ĐƯỢC MỰC KHI IN ƯỚT CHỒNG KHÔ
Mực không thể bám lên màu in trước đó do lớp mực in trước đó đã bị kết tinh. Thực ra, các chất dầu còn ướt hay sáp dính trên bề mặt giấy làm cho nó không thể nhận mực được.
Nguyên nhân:
Có quá nhiều dầu hay sáp trong lớp mực đã khô.
Biện pháp khắc phục:
Trao đổi với nhà sản xuất mực về các yêu cầu của mực, tốt hơn là trước khi in.
Tránh dùng dầu hay bột sáp trong mực ở lần in đầu tiên khi phải in các màu khác tiếp theo.
In lượt tiếp theo ngay khi lớp mực trước đó vừa đủ khô để có thể cầm tờ giấy in mà không bị lem. Nếu mực khô lâu hơn thì các chất không khô sẽ xuất hiện trên bề mặt tờ in và gây cản trở cho quá trình truyền mực.
Nếu người thợ in muốn them các chất làm khô vào trong mực thì nên cho vào ngay ở lượt in đầu tiên. Lượng chất làm khô gốc cô ban phải được sử dụng ở mức tối thiểu.
Thêm vào các chất phụ gia giúp quá trình truyền mực xảy ra tốt hơn.
XIII. MỰC BỊ KẾT TINH
Một lớp mực được truyền lên lớp mực in trước đó và đã khô, nhưng khi khô mực có độ kết dính không tốt và do đó dễ dàng bị tróc ra khi cạo bằng tay.
Nguyên nhân: Lượt in đầu tiên bị kết tinh, nhưng nó vẫn cho truyền mực xảy ra và không cho lớp mực sau kết dính lên lớp mực trước.
Biện pháp khắc phục:
Thay đổi thứ tự in chồng màu cho phù hợp.
Ngăn ngừa sự kết tinh của lớp mực đầu tiên.
Cho tờ giấy in qua lò sấy khô. Nhiệt độ sẽ làm tăng độ kết dính của mực.
XIV. KHÔNG TRUYỀN MỰC ĐƯỢC KHI IN ƯỚT CHỒNG ƯỚT
Mực không truyền được khi in các màu ướt lên nhau.
Nguyên nhân A:
Mực in thứ hai có độ tách dính (take value) cao hơn mực in đầu tiên. Chuyện này thường xảy ra khi in các nhũ kim loại hoặc các loại vật liệu không thấm hút như giấy decal. Với loại vật liệu thấm hút nhiều hơn, ta giảm độ tách dính dần dần là vừa.
Biện pháp khắc phục:
Sử dụng chuỗi mực in có độ tách dính giảm dần theo thứ tự in.
Làm giảm độ tách dính của mực sẽ làm giảm quá trình truyền mực hợp lý. Sử dụng mực cho in nhiều màu thì các màu in sau có độ tách dính giảm dần.
Tăng độ dầy lớp mực. Lớp mực dầy hơn sẽ giúp dễ truyền mực hơn.
Nguyên nhân B:
Khi in nhiều màu sẽ sinh ra một lượng mực dư khiến nó không thể dính lên màu in trước đó.
Biện pháp khắc phục:
Sử dụng mực có độ tách dính giảm dần theo thứ tự.
Không dùng mực của nhiều hãng khác nhau.
Sử dụng loại mực có sự truyền mực tương ứng nhưng vẫn cho ra được màu mong muốn.
XV. KÉO DỊCH
Nguyên nhân:
Áp lực của ống ép lên trên tấm cao su quá lớn trong trường hợp in giấy tráng phấn, áp lực giữa cao su và kẽm quá cao khi in trên bản mịn và không tạo hạt (Bản PS), các tờ giấy không phẳng bị gợn sóng khi đi qua khe ép in, chạy quá nhiều mực trên giấy tráng phấn hay là mực in quá loãng.
Biện pháp khắc phục: Chạy mực in và ép in theo đúng tiêu chuẩn áp lực của ống ép, coi kỹ việc bọc ống bản và ống cao su, chú ý chạy đúng độ dày lớp mực và chạy đúng loại mực.
XVI. BỊ SỌC HAY LÀ TẠO SỌC
Sọc gây ra do sự thẩm thấu không đều đặn của mực vào giấy. Tất cả các loại giấy làm từ máy xeo có sự không đồng nhất. Giấy càng dầy thì sự không đồng nhất càng lớn, vì thế các sự cố xảy ra trên giấy có định lượng cao nhiều hơn là các loại giấy mỏng. Hiện tượng sọc sẽ được khắc phục bằng cách điều chỉnh lượng mực sao cho mực có thể thẩm thấu hết vào trong giấy hay là không thẩm thấu mà chỉ bám lên bề mặt.
Nguyên nhân A:
Mực không được điều chỉnh thích hợp cho vật liệu.
Biện pháp khắc phục:
Sử dụng mực không gây ra các sọc trên tờ in.
Gia tăng độ tách dính và độ đặc của mực bằng cách thêm vecni bền với nước.
Giảm độ tách dính của mực bằng cách thêm vào một chút dầu khô hay vecni dành cho in cuộn có sấy.
Kiểm tra độ khô của mực in trên giấy trước khi in.
Nguyên nhân B:
Giấy tráng phấn có độ thấm hút mực không đồng nhất.
Biện pháp khắc phục: Sử dụng mực in dày hơn hay thêm vào các loại vecni bóng.
Nguyên nhân C:
Loại vật liệu in không bắt mực.
Biện pháp khắc phục: Sử dụng mực có độ nhớt và độ đặc cao tối đa.
Nguyên nhân D:
Giấy không tráng phấn làm từ các cây cỏ hoang (thường thì sớ sợi không đồng nhất).
Biện pháp khắc phục:
Thay đổi vật liệu.
Sử dụng mực có cường độ màu tối đa và sự thấm hút tối thiểu.
Nguyên nhân E:
Chạy nhiều mực trên giấy cứng và không nhận mực.
Biện pháp khắc phục: Sử dụng mực có nồng độ pig-ment cao và chạy với lớp mực mỏng hơn, mực đặc hơn cũng có thể giúp giảm sự cố này.
Nguyên nhân F:
Lực ép của ống ép quá lớn.
Biện pháp khắc phục: Giảm lực ép.
Nguyên nhân G:
Quá nhiều dung dịch làm ẩm. Độ ẩm làm giảm sự tách dính của mực và cũng gây ra hiện tượng mốc trắng trên các màu in tông nguyên.
Biện pháp khắc phục: Giữ cho lượng dung dịch làm ẩm ở mức tối thiểu.
XVII. CÁC VẾT DƠ MỜ TRÊN TỜ IN
Có những vết mực lốm đốm có thể thấy trên tờ in nhưng không thể thấy được trên bản in, những vết dơ này không bám chặt lên trên tờ in và nó có thể được lau sạch bằng giẻ hay là bằng tay thấm nước và tẩy đi. Tuy nhiên nó nhanh chóng xuất hiện lại trong quá trình in.
Nguyên nhân A:
Có xà phòng hay chất tẩy rửa trong dung dịch làm ẩm.
Biện pháp khắc phục: Không bao giờ thêm xà phòng và các chất tẩy rửa vào dung dịch làm ẩm. Gạt nước ra khỏi tấm nỷ lô sau khi rửa. Sử dụng đúng các chất phụ gia cho vào dung dịch làm ẩm.
Nguyên nhân B:
Dung dịch làm ẩm hoà tan chất keo dán giữa lớp giấy đế và lớp phủ và các thành phần hoá học khác trong giấy làm cho nước dễ thâm nhập vào mực in gây ra mực bị nhũ hoá.
Biện pháp khắc phục:
Đổi loại giấy khác.
Làm cho mực đặc hơn bằng cách pha vào những vecni làm đặc kháng nước.
Nguyên nhân C:
Áp lực giữa các lô chà mực và bản in quá cao.
Biện pháp khắc phục: Điều chỉnh áp lực cho phù hợp.
XVIII. MỰC ĐÓNG THÀNH LỚP TRÊN BẢN VÀ TẤM CAO SU
Mực đóng cặn trên các lô chà ẩm bản, trên bản in hay trên tấm cao su và làm cho sự truyền mực không chính xác.
Nguyên nhân A:
Mực quá lỏng hay là thiếu độ lỏng cần thiết để làm cho mực có thể truyền di.
Biện pháp khắc phục
Hỏi ý kiến nhà sản xuất mực, mua loại mực đặc hơn.
Thêm vào vecni giúp cho mực đặc hơn, hỏi ý kiến nhà sản xuất mực loại vecni cần dùng.
Giảm dung dịch làm ẩm ở mức tối thiểu. Nếu cách này không phù hợp, dùng mực có vecni bền với nước hơn.
Gia tăng dung dịch làm ẩm. Gia tăng nước để rửa bụi, chất bẩn hay các sớ sợi từ giấy.
Đổi loại giấy. Bụi và sớ giấy có thể trộn vào mực và làm cho mực đặc hơn.
Tránh thêm chất làm đặc, chất làm kết tủa và các chất rắn khác vào trong mực.
Nguyên nhân B:
Mực đóng cặn có chứa các chất có khuynh hướng đóng tụ lại, các chất này làm cho mực không được truyền đi và làm cho mực đóng thành lớp trên các lô, khuôn in và trên bề mặt cao su.
Biện pháp khắc phục: Trả mực lại cho nhà sản xuất mực.
Nguyên nhân C:
Mực chứa các hạt pigment khô và nặng làm cho nó bị đóng lớp.
Biện pháp khắc phục: Hỏi ý kiến nhà sản xuất mực, đổi loại mực có công thức khác.
Nguyên nhân D:
Các loại giấy tráng phấn trở nên dính khi bị ẩm. Trong những máy in nhiều màu tờ giấy được làm ẩm ở đơn vị in đầu tiên sẽ bị mềm ra và bám lên tấm cao su ở đơn vị in thứ hai. Các chất dính lại trên tấm cao su này sẽ từ từ tích tụ trên tấm cao su và tạo nên các vùng có phần tử in, do đó tạo nên sự kéo dịch.
Biện pháp khắc phục:
Đổi giấy có độ chịu ẩm tốt hơn.
Phủ một lớp mực trắng trong lên trên bề mặt tờ in.
Khí hậu hoá giấy in trong vài tuần.
XIX. MỰC VĂNG RA HAY RỚT RA
Các lớp mực dày sẽ tạo thành các sợi dài khi phân tách ra trên máy in. Những sợi dài này sẽ được tách ra thành những hạt nhỏ mịn và tạo thành bụi bay xung quanh máy in.
Nguyên nhân A:
Cung cấp quá nhiều mực. Những sợi mực dài hơn sẽ được tạo ra khi trên lô mực có một lớp mực dày.
Biện pháp khắc phục: Đổi loại mực có độ kết dính cao hơn và chạy mỏng hơn.
Nguyên nhân B:
Mực có độ tách dính thấp và quá lỏng.
Nguyên nhân C:
Phạm vi sàng của các lô quá hẹp .
Biện pháp khắc phục: Tăng phạm vi của lô sàng lên.
Nguyên nhân D:
Cấp quá nhiều mực từ lô máng mực.
Biện pháp khắc phục: Siết chặt dao gạt mực trên máng mực,và điều chỉnh bộ bánh cóc làm tăng vòng quay của lô.
XX. MÀU SẮC BỊ NHẠT ĐI HAY TRẮNG RA TRONG QUÁ TRÌNH LÀM KHÔ
Vấn đề này thường xảy ra chủ yếu với các hạt pigment vô cơ khi in từng mảng hay là tông nguyên.
Nguyên nhân: Thiếu khí oxi để hoàn tất quá trình làm khô, khi chất dẫn mực sử dụng hết khí oxi sẵn có thì nó lấy khí oxi từ các hạt pigment vô cơ và do đó làm bay màu hạt pigment.
Biện pháp khắc phục: Bung giấy hai đến ba lần khoảng 4 giờ sau khi in.
Sưu tầm - Bài viết của TS. Ngô Anh Tuấn trên Tạp chí In và Truyền thông